XUÂN YÊU THƯƠNG – 2021

Ngoài sự kiện bóng đá, sự kiện Ngô Bảo Châu... thì cả gần nửa thập kỉ chúng ta mới lại có sự kiện khơi dậy được sự gắn bó, sự đồng lòng đồng sức từ chính quyền đến người dân về sự tương thân, tương ái, về sự đùm bọc che chở, nghĩa đồng bào của những người chung một mái nhà Việt Nam, chung một dân tộc Việt Nam mãnh liệt đến như thế. Sự kết nối mãnh liệt ấy lạ lùng thay không phải từ niềm vui lớn lao vĩ đại mà từ nỗi lo, buồn trong hoạn nạn.

Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi mặt trong cuộc sống của toàn nhân loại. Hiếm khi trong đời người chúng ta được chứng kiến vấn đề sức khỏe của người dân từ mọi quốc gia trên thế giới lại được quan tâm cùng thời điểm như vậy. Và không chỉ dừng lại ở mối quan tâm, nó còn là sự lo lắng thậm chí hoảng sợ đến tuyệt vọng ở nhiều nơi khi bệnh dịch đã tấn công. Ngoài Vũ Hán – Trung Quốc là nơi bắt đầu nguồn dịch, các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ lại là những nơi mà đại dịch lây lan và có hậu quả nghiêm trọng cho dù họ có hệ thống y tế được xem là hiện đại của thế giới.

       Trong bối cảnh đó, người dân Việt Nam và cả quốc tế đã và đang ngạc nhiên về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam do những nhận định, và quyết sách phù hợp. Việt Nam đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận để giúp người dân giữ được cuộc sống ít đảo lộn nhất có thể. Còn nhớ, bản tin đầu tiên của Bộ Y tế phát đi, khi đó chưa ai có thể ngờ đến sự nguy hiểm của dịch bệnh. Và liên tiếp sau đó, các bản tin liên tục được cảnh báo, hệ thống y tế dự phòng và các lực lượng chức năng của Việt Nam đã bật tín hiệu phòng, chống dịch ngay từ những ngày đó.

       Với hai lần dịch đầu tiên, Việt Nam chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đẩy lùi dịch bệnh. Những dòng người dài dằng dặc hối hả ra sân bay chờ đợi giây phút được chen chân lên máy bay trở về tổ quốc. Cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi đặt chân xuống đất mẹ thiêng liêng: yên tâm rồi, an toàn rồi... Dẫu còn mệt mỏi sau chuyến bay dài, dẫu phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ ở sân bay, dẫu phải cách ly 14 ngày mới được về nhà nhưng cảm giác bình yên, được bảo vệ đó là điều hạnh phúc lớn nhất mà mọi người tìm kiếm trong hành trình trở về quê hương lúc này. Bao nghĩa cử cao đẹp của những tấm lòng vì cộng đồng. Những chuyến bay đi đến tâm dịch bất chấp hiểm nguy để đón những người con xa xứ. Các y, bác sĩ tận tụy thầm lặng, chấp nhận hi sinh đứng ở hàng đầu chống dịch. Các chiến sĩ quân đội vừa gánh vác trách nhiệm bảo vệ non sông vừa xông lên mặt trận chống giặc bệnh COVID-19: nhường doanh trại cho dân vào rừng ngủ lán, canh gác bảo vệ cho dân, vừa lo tiếp tế lương thực, cơm ăn nước uống…Trên mạng xã hội người người chia sẻ cho nhau về cách chống dịch có hiệu quả. Và dường như ai cũng trở nên thật dễ thương trong việc nghiêm túc thực hiện chỉ thị "ai ở đâu ngồi yên ở đấy". Không giúp được gì thì ít nhất cũng không nên làm phiền ai, không nên để nhà nước phải bận tâm về mình. Giữ cho mình được an bình cũng là cách thể hiện tinh thần vì cộng đồng trong lúc này. Năm nay, nhiều người Việt ở nước ngoài đã thu xếp, chờ đợi và hi vọng nhưng rốt cuộc cũng vẫn không thể về đón xuân với gia đình. Nhiều người vẫn ngỡ ngàng khi hóa ra đã lại một cái "Tết COVID-19" nữa đến rồi, sau một năm bị đảo lộn rất nhiều thứ vì dịch bệnh.

        Trong bối cảnh dịch Covid -19 có diễn biến phức tạp, chuyện du xuân, chúc tết thực sự là vấn đề xã hội có tính thời sự cao, rất cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, trách nhiệm. Qua đó, nhằm góp phần phòng, chống, ngăn chặn dịch Covid- 19 lây lan diện rộng. Theo lệ, vào những ngày đầu năm mới của Tết Nguyên đán, nhiều người vẫn duy trì tục đi thăm, chúc tết, xông đất nhà bạn bè, người thân với mong muốn năm mới đến nhiều sức khỏe, may mắn, vạn sự như ý cho bản thân và cả gia chủ được chúc tết. Quả thật, trong ngày đầu năm mới mà nhận được những lời chúc tốt lành thì tâm lý chung là ai cũng cảm thấy hồ hởi, phấn khởi, vui vẻ. Cùng với đó, cả một năm tất bật lo chuyện mưu sinh “cơm, áo, gạo, tiền” chiếm hết cả quỹ thời gian thì đến ngày tết những người bạn, những người thân, họ hàng mới có thời gian để gặp gỡ, chuyện trò, thăm nhà nhau… đó cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, Tết Tân Sửu 2021 này, trước tình hình dịch Covid- 19 diễn biến khó lường, phức tạp, tục lệ này cần có sự nhìn nhận hết sức khách quan và sự điều chỉnh của mỗi người, mỗi gia đình. “Ngày xuân thăm nhau” đã thành nếp, thành lệ nhưng tết này thực sự cần thay đổi từ suy nghĩ đến hành động. Vì rằng, chỉ như thế mới góp phần vào chống sự lây lan, dập dịch Covid- 19 hiệu quả. Cho nên, thay vì trực tiếp đến thăm nhau, mọi người có thể gửi những lời chúc tốt đẹp, chào hỏi nhau qua những ứng dụng công nghệ thông tin. Tết là dịp để sẻ chia, cảm thông và quan trọng là sự chân thành nên vấn đề trên rất cần sự ủng hộ của đông đảo mọi người, mọi nhà. Còn chuyện du xuân, tham quan, trải nghiệm trong mùa dịch, chúng ta vẫn còn nhớ trong năm 2020 vừa qua, nhiều người đã lựa chọn hình thức khám phá, tham quan qua màn ảnh nhỏ… Hay như nhiều ca sỹ cũng đã chuyển sang tổ chức các chương trình âm nhạc trực tuyến để kết nối với công chúng, người hâm mộ… đã được nhiều người lựa chọn, đón nhận. Do đó, dịp này cũng cần được khuyến khích. Chợt nghĩ, so với những cán bộ, chiến sỹ bộ đội đang trong những ngày tết vẫn dầm mưa rét để phòng, chống dịch nơi biên giới hay những cán bộ, y bác sỹ cả tháng trời không thể về nhà vì đang trong nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các điểm nóng, khu cách ly… thì chuyện mỗi người tạm gác niềm vui chúc tết, du xuân lại một chút cũng không thấm vào đâu.

      Và không phải ngẫu nhiên mà Bộ Y tế đưa ra thông điệp 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế) mà điều này xuất phát từ thực tế công tác phòng, chống dịch của nước ta và cả thế giới. Thông điệp 5K là những nội dung, phương pháp cốt lõi, thiết thực, cụ thể, phù hợp với thực tế để phòng, chống dịch Covid -19 hiệu quả. Cho nên việc thực hiện thông điệp 5K càng cần đề cao trong dịp tết hơn bao giờ hết.

        Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới, thời gian cách ly đã tăng lên 21 ngày nên sẽ có rất nhiều người phải đón Tết Nguyên đán trong khu cách ly tập trung. Trong bối cảnh như hiện nay, Nhà nước ta vẫn đảm bảo cho người trong khu cách ly đón Tết an toàn, ấm cúng. Mấy ngày qua, đoàn viên, thanh niên và giáo viên ở tỉnh Hải Dương chia thành nhiều nhóm túc trực tại sân trường tham gia gói bánh chưng. Mỗi ngày tình nguyện viên luân phiên từ 7h sáng đến khoảng 2h đêm để canh lửa cho nồi bánh chưng. Nhiều người dân ở Hải Dương biết đến thông tin kêu gọi trên Facebook cũng đến góp sức để kịp hoàn thành bánh chưng gửi tặng khu cách ly trong dịp tết.Nhà nước cũng thực hiện tặng quà Tết cho những người trong khu cách ly với mong muốn họ có một cái Tết an lành nhất và với tâm lý thoải mái nhất

        Để những ngày xuân trọn vẹn, khi di chuyển hay làm bất cứ gì hãy nhớ đến 5K. Khi đi du xuân, tham gia các lễ hội, hãy cập nhật và tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền địa phương. COVID-19 chủng mới được thông tin là lây qua không khí cộng với 80% người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, vì vậy khẩu trang trở thành tấm chắn rất quan trọng. Rửa tay, làm sạch các bề mặt tiếp xúc là cách không cho virus cơ hội tồn tại khi ra ngoài và xâm nhập vào người chúng ta. Giữ khoảng cách an toàn khi đến nơi công cộng là không cho virus từ người khác có đủ sức "nhảy dù" vào chúng ta. Hạn chế việc tụ tập đông người, bớt các cuộc hẹn gặp không cần thiết. Thực hiện khai báo y tế và cài đặt ứng dụng Bluezone. Ứng dụng này sẽ giúp phát hiện liệu chúng ta có tiếp xúc người nhiễm COVID-19, hỗ trợ nhanh chóng cho việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Nếu di chuyển nhiều nên ghi lại nhật ký tiếp xúc, chủ động theo dõi thông tin nơi mình ở, nơi mình đến, hướng dẫn từ cơ quan chức năng để phản ứng phù hợp. Chủ động khai báo y tế khi biết mình có nguy cơ để được ngành y tế xét nghiệm, điều trị. Phát hiện sớm đối thủ là chúng ta đã chiếm được lợi thế phần nào, càng để lâu càng làm tăng nguy cơ COVID-19 lây lan. Nếu có lỡ bị nó "ghé thăm", hãy khai báo thành thật để các hậu vệ có thông tin, truy bắt cho kịp tốc độ lây lan của nó. Chậm một nhịp là càng khó chống đỡ. Cuối cùng, tránh nghe theo các thông tin giả trên mạng làm chúng ta hoang mang. Không nghe theo những phương thức bí hiểm, gia truyền để điều trị COVID-19. Nếu họ thực sự có phương thức ấy thì đã được khoa học công nhận, nổi tiếng toàn thế giới chứ không thậm thà thậm thụt trong các nhóm kín trên mạng.

       COVID-19 rồi sẽ đi qua, nhưng hậu quả và ảnh hưởng khủng khiếp của nó đến tất cả mọi người sẽ cần thời gian khôi phục. Chúng ta cần thay đổi, hình thành những nếp sống mới tốt hơn như đã nói ở trên. Với sự đồng lòng, hợp sức của toàn dân tộc, chúng ta sẽ giành lại sự bình yên cho đất nước.

Thân chúc mọi người năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe và luôn nhớ 5K dù đi đâu, làm gì.

                                                                        Nguyễn Phương Chinh – 12A2

Bài tin liên quan
Hoạt động
Tin tức
Tin đọc nhiều