KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN VỀ K9 - BA VÌ, HÀ NỘI VÀ LÀNG VĂN HÓA ĐỒNG MÔ
KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN VỀ K9 - BA VÌ, HÀ NỘI
VÀ LÀNG VĂN HÓA ĐỒNG MÔ
Giáo dục phổ thông nước ta đang thực hiện bước chuyển mình từ giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học. Thực hiện theo kế hoạch giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn trong hoạt động học tập và phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh đồng thời được sự đồng ý của sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, trường THPT Nguyễn Thiện Thuật đã tổ chức cho học sinh khối 12 chuyến đi tham quan thực tế tại K9 - Đá Chông và làng văn hóa các dân tộc Việt Nam vào ngày 2-1-2019.
Đúng 6 giờ sáng, xe bắt đầu chuyển bánh từ trường Trung học phổ thông NguyễnThiện Thuật, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đến K9 - Đá Chông. K9 là khu căn cứ của Trung ương thời kì từ năm 1959 đến 1969 đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Như vậy, từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là đền thờ Hồ Chủ Tịch. Trước cảnh núi non linh thiêng hùng vĩ, thầy trò trường THPT Nguyễn Thiện Thuật làm lễ dâng hương, báo công với Bác.
Vì số lượng học sinh khá đông nên các đồng chí trong ban quản lí K9 chỉ cho các thầy cô vào bên trong đền thờ dâng hương báo công với Bác còn các em học sinh ngưỡng vọng ở phía ngoài. Trước anh linh Hồ Chủ Tịch, cô giáo Phạm Thị Thu Hương – Hiệu trưởng nhà trường - thay mặt cho tập thể sư phạm trường và học sinh trường THPT Nguyễn Thiện Thuật báo công với Bác và hứa sẽ quyết tâm học tập, làm theo tấm người đạo đức của Người. Ấn tượng đặc biệt nhất có lẽ là câu chuyện về cuốn di chúc của Bác và việc không làm theo lời di nguyện của Người được đồng chí trung tá cũng là hướng dẫn viên kể cho chúng tôi: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng...Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.” Nhưng khi Bác qua đời, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã quỳ xuống xin với Bác: Chúng con không thể thực hiện được di nguyện này của Người vì nếu hỏa táng thì khi nước nhà thống nhất con cháu ở miền Nam ra thì làm sao gặp được Bác? Bởi vậy, Bộ chính trị đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Câu chuyện xúc động ấy làm trào dâng trong mỗi chúng tôi niềm xúc động thiêng liêng.
Sau lễ dâng hương, thầy và trò chúng tôi bắt đầu hành trình trải nghiệm khám phá đầy thú vị. Đi tiếp lên trên núi, chúng tôi đến thăm ngôi nhà 2 tầng thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tiếp đến chúng tôi đến thăm khu đá chông và nơi bảo quản có 3 chiếc xe: xe UAZ cứu thương biển số FH-1468, xe Zin 157 biển số 470-189 cùng chiếc xe Pháp biển số 31-162 là những "người bạn chiến đấu" thân thuộc đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) di chuyển thi hài Bác 6 lần vượt qua mọi địa hình thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Ngôi nhà 2 tầng thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch | Khu trưng bày 3 chiếc xe từng chở thi hài Bác từ Hà Nội lên Đá Chông để bảo quản.
|
Trước khi kết thúc hành trình trải nghiệm tại K9, chúng tôi đến thăm khu nhà từng là nơi bảo quản thi hài của Bác. Mặc dù, hướng dẫn viên của khu di tích liên tục nhắc nhở: chúng ta di chuyển nhanh qua khu nhà tránh dừng lại để người phía sau phải đợi lâu. Nhưng những cô cậu học trò của chúng tôi vẫn cố nán lại rất lâu trước ô của nhỏ nhìn vào chiếc quan tài bằng kính từng gìn giữ thi hài Bác.
Rời K9, chúng tôi đến với làng văn hóa 54 các dân tộc Việt Nam. Làng Văn hoá – Du lịch các Dân tộc Việt Nam – Đồng Mô là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là điểm tham quan lý tưởng cho nhân dân trong nước cũng như khách du lịch quốc tế và là biểu tượng sinh động để các nước trên thế giới hiểu được chính sách dân tộc của Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khu các làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Khu các làng dân tộc có 04 cụm làng tương ứng với các vùng miền mà các dân tộc cư trú.
Khu các làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Khu các làng dân tộc có 04 cụm làng tương ứng với các vùng miền mà các dân tộc cư trú.
Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, năng động, đa dạng, hấp dẫn và đậm đà bản sắc dân tộc diễn ra tại Làng văn hóa các dân tộc đã bồi dưỡng thêm tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao dân trí và hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ của mỗi du khách khi đến với nơi đây. Vì vậy, trước khi trở về, thầy trò chúng tôi tổ chức các hoạt động tập thể ở khu đất trống dành cho các sinh hoạt tập thể của đồng bào dân tộc Khơ me. Có lẽ chưa bào giờ thầy trò chúng tôi cùng chơi những trò chơi vui đến như vậy.
Và đúng 15h30 phút, như kế hoạch, chúng tôi ra xe ôtô trở về với quê hương nhãn lồng yêu dấu. Kết thúc chuyến trải nghiệm thực tế thú vị, bổ ích!