Giao lưu tư vấn tâm lí về việc phòng chống bạo lực học đường
Bạo lực học đường trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp. Vấn nạn này trở thành một vấn đề nóng bỏng, nhức nhối trong xã hội. Tính chất và mức độ không ngừng tăng cao. Vì vậy ngày 26 tháng 4 năm 2019 trường THPT Nguyễn Thiện Thuật tổ chức giao lưu tư vấn tâm lí về việc phòng chống bạo lực học đường.
Buổi giao lưu có sự hiện diện của Tiến sĩ tâm lí Hoàng Ngọc Hạnh, các bác cựu chiến binh trong câu lạc bộ Nghệ thuật Hà Nội cùng tập thể thầy giáo, cô giáo và học sinh trường THPT Nguyễn Thiện Thuật.
Trước tiên tiến sĩ tâm lí Hoàng Ngọc Hạnh giúp cho thầy cô giáo và học sinh trường THPT Nguyễn Thiện Thuật hiểu thế nào là bạo lực học đường? Đây là câu hỏi đầu tiên tiến sĩ tâm lí dành cho các bạn học sinh.
Phần lớn các em học sinh đều hiểu được bạo lực là gì? Đó là trong lớp các bạn mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau hay hành vi lột đồ, lột quần áo, chửi nhau, dọa nạt bạn...
Từ đó, tiến sĩ tâm lí Hoàng Ngọc Hạnh đã giải tích một cách đầy đủ, dễ hiểu nhất về hành vi bạo lực. Hành vi bạo lực là hành vi gây tổn hại đến người khác. Bao gồm tổn hại về cơ thể và tinh thần. Bạo lực có thể chia làm 4 loại:
- Bạo lực về thể chất như: đánh, đấm vào cơ thể
- Về tinh thần: mắng chửi, xỉ nhục, nói xấu, tung tin trên mạng ...
- Bạo lực tình dục: Xâm hại, quấy rối
- Bỏ rơi, không quan tâm đến bạn, cô lập bạn cũng là một dạng bạo lực
Sau đó cô giáo mong muốn được học sinh chia sẻ về việc bản thân các em có bị bạo lực hay không? Phần lớn các em khá e dè trong việc nói ra việc mình có bạo bạo lực hay không. Nhưng thực tế khi được hỏi các em đều nói đã từng bị bạo lực có thể từ bạn bè, có thể từ gia đình...
Vì vậy, tiến sĩ tâm lí cũng giúp thầy cô cũng như học sinh trường THPT Nguyễn Thiện Thuật tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh để bạo lực học đường không diễn ra.
Thứ nhất, tìm hiểu nguyên nhân của bạo lực học đường. Câu hỏi là bạo lực học đường xuất phát từ đâu? Nguyên nhân đôi khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong giao tiếp hàng ngày như:
- Tranh chấp nhau đồ đạc
- Nói xấu nhau
- Tung ảnh của nhau trên mạng xã hội
- Hiểu nhầm nhau
- Đọc trộm tin nhắn của nhau cũng dẫn tới bạo lực
Thứ hai, cô giáo đặt ra câu hỏi: Vậy làm thế nào để tránh những hành vi bạo lực không diễn ra?
Cách thứ nhất, bắt đầu bằng câu trả lời của một bạn học sinh lớp 11 là: Tìm cách biến mất. Cô giáo nhận xét đó là cách rất sáng tạo. Cô giải thích rằng khi ấy người gây bạo lực cho chúng ta họ đang ở trạng thái tâm lí nóng giận, dễ bị kích động thì cách tốt nhất là ta sẽ tìm cách tách khỏi môi trường ấy tạm thời bằng việc đi đến một chỗ nào đó. Để cả ta và người gây bạo lực cho ta giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, sau đó, khi đã bình tĩnh thì sẽ quay trở lại để nói chuyện hoặc giải quyết vấn đề hiểu lầm dẫn tới mâu thuẫn và bạo lực đó.
Còn cách thứ hai là có thể tìm người tin cậy để giúp đỡ. Ví dụ: Ở trường, ta có thể báo, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô. Ở nhà, có thể nói với bố mẹ hoặc báo công an…
Tình huống giả định tiến sĩ tâm lí đặt ra là: Trong trường hợp em kể với một người nhưng người đó không tin và gạt đi thì chúng ta sẽ làm gì?
Có bạn học sinh cho rằng: Tự cứu lấy mình bằng học võ. Thực tế cô giáo cũng chỉ ra là ta không cần học võ cũng có thể bảo vệ bản thân bởi bạo lực. Đó là, luôn luôn ở đúng nơi, đúng chỗ và luôn làm đúng trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tiến sĩ tâm lí cũng hướng dẫn những cách cụ thể để có thể tự giải thoát khỏi những tình huống bạo lực. Như:
- Khi bị bắt nạt trên đường thì ta sẽ tìm cách chạy đến chỗ đông người, chạy vào nhà dân để tìm sự giúp đỡ.
- Khi bị nắm tay và kéo đi. Ta có thể dùng đầu gối hoặc dùng cùi trỏ đánh lại, tìm khe hở của tay để thoát ra
- Khi bị ôm ghì từ phía sau ta có thể huých vào tay, dẫm vào chân hoặc tìm cách ngồi xuống và bỏ chạy
Vì vậy khi chúng ta bị bắt nạt hạy bị bạo lực thì cần bình tĩnh quan sát tình huống và tìm cách để thoát khỏi tình huống đó.
Cuối cùng, cô giáo hướng dẫn hít thở. Việc này giúp bản thân chúng ta thư giãn, thoải mái, ít có hành vi bạo lực với người khác hơn.
Trước thực trạng bạo lực học đường trở nên nghiêm trọng thì những buổi giao lưu như vậy là rất cần thiết cho giáo viên, học sinh. Trong khoảng một giờ giao lưu, tiến sĩ tâm lí Hoàng Ngọc Hạnh đã giúp thầy và trò nhà trường hiểu biết, nâng cao nhận thức về bạo lực học đường. Từ đó giúp định hướng hành động và hình thành quan niệm sống tốt đẹp cho giáo viên và học sinh trường THPT Nguyễn Thiện Thuật. Hoàng Hải Yến
( Trường THPT Nguyễn Thiện )
Một số hình ảnh trong buổi tư vấn tâm lí về việc phòng chống bạo lực học đường: