TẬP THỂ GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT NGUYỄN THIỆN THUẬT TÍCH CỰC THỰC HIỆN DẠY HỌC TRÊN TRUYỀN HÌNH, DẠY HỌC TRỰC TUYẾN

      Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, trường THPT Nguyễn Thiện Thuật đã phổ biến việc dạy trên truyền hình đối với học sinh khối 12 (với các môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Tiếng Anh),  đồng thời tích cực triển khai dạy học trực tuyến cho các em học sinh khối 12 các môn: Tin học, Giáo dục quốc phòng, Công nghệ, Thể dục và các em khối 10, 11 ở tất cả các bộ môn.
    Đối với việc dạy học trên truyền hình cho học sinh khối 12, nhà trường  đã có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động tự học của học sinh.

     Thứ nhất, Ban giám hiệu, Ban chuyên môn nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc dạy và học trên truyền hình; thời gian phát sóng các tiết học trong từng tuần trên Đài truyền hình Hưng Yên đến các giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường qua các thông báo cụ thể trên website nhà trường, nhóm zalo Tập thể giáo viên trường THPT Nguyễn Thiện Thuật và sổ liên lạc điện tử của phụ huynh học sinh.
   Thứ hai, nâng cao chất lượng các bài dạy trên truyền hình qua hình thức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Những giáo viên trực tiếp dạy học trên truyền hình đã dành nhiều thời gian, công sức cho bài dạy. Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng các tổ chuyên môn, các tổ viên trong mỗi tổ chuyên môn đều nêu cao tinh thần trách nhiệm với  nhiệm vụ được giao. Mỗi bài dạy đều được tổ chuyên môn thảo luận kĩ lưỡng. Ban giám hiệu có dự họp và góp ý cho mỗi giáo viên khi tiến hành bài dạy.
     Thứ ba, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp quản lí việc học trên truyền hình của học sinh mỗi lớp qua nhóm zalo hoặc messenger, đồng thời giữ liên lạc thường xuyên với phụ huynh học sinh để nắm bắt thông tin về việc học của các em học sinh khối 12, báo cáo kịp thời với Ban giám hiệu nhà trường.
    Bên cạnh đó, nhà trường đã và đang tích cực triển khai dạy học trực tuyến. Để thực hiện có hiệu quả công tác này, đòi hỏi sự thống nhất và chỉ đạo sâu sát từ Ban giám hiệu, Ban chuyên môn của nhà trường cũng như sự hưởng ứng nhiệt tình của các giáo viên bộ môn. Cụ thể là:
    Thứ nhất, nhà trường lên thời khóa biểu và phân công giáo viên quản lí học sinh trong các lớp học trực tuyến
Nhà trường lên thời khóa biểu cụ thể cho từng buổi học trong tuần, tránh tình trạng chồng chéo giữa các bộ môn, sau đó phân công giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn quản lí lớp học trực tuyến. Tại đây, giáo viên chủ nhiệm chủ động tạo lập nhóm trên zalo hoặc trên messenger, ... theo từng bộ môn để tạo sợi dây liên lạc thường xuyên giữa các học sinh trong lớp và giáo viên bộ môn. Nó cũng là nơi giúp giáo viên chủ nhiệm có thể nắm bắt được ý thức của các học sinh trong lớp mà mình quản lý. Cũng tại nhóm này, giáo viên bộ môn có thể giao bài tập hoặc đôn đốc, nhắc nhở học sinh tham gia vào hoạt động học.
     Thứ hai, Ban chuyên môn cùng các giáo viên thành thạo về việc ứng dụng công nghệ thông tin chia sẻ, hướng dẫn cho giáo viên sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến như Zoom, Google Classroom, Microsoft Teams... để dạy học trực tuyến.
Việc chia sẻ này là cần thiết để từ đó các tổ, nhóm bộ môn có thể thống nhất hình thức dạy học trực tuyến sao cho hợp lí và đạt hiệu quả. Nó cũng là cách để giáo viên bộ môn sau khi đã thống nhất hình thức dạy trong tổ, nhóm chuyên môn sẽ hướng dẫn đến các học sinh trong lớp mà mình phụ trách.
    Thứ ba, để đảm bảo chất lượng khi dạy trực tuyến, các tổ, nhóm bộ môn lập kế hoạch dạy học trực tuyến theo từng tuần, thống nhất nội dung dạy học,  hình thức đánh giá và ra bài tập cho học sinh, đặc biệt là hình thức dạy học để giáo viên tương tác với học sinh.
Hiện nay có rất nhiều hình thức dạy học trực tuyến để tổ, nhóm chuyên môn có thể lựa chọn và thống nhất như xây dựng kho dữ liệu bài giảng Powerpoint, bài giảng elearning để hướng dẫn học sinh học tập; dạy học qua phần mềm Zoom, Trans, Google Classroom, Microsoft Teams….  Bên cạnh đó, các giáo viên cũng sử dụng các công cụ công nghệ thông tin vào việc tương tác giữa giáo viên và học sinh như: Trả lời câu hỏi trực tiếp trên phần “chat” của ứng dụng dạy trực tuyến, sử dụng các trò chơi trực tuyến vào dạy học như Kahoot... Các giáo viên trong tổ, nhóm bộ môn cũng thống nhất hình thức đánh giá như trắc nghiệm, các câu tự luận trả lời ngắn,… và cách thực hiện như sử dụng phần mềm SHub. Classroom, goole form.
      Thứ tư, giáo viên bộ môn thực hiện việc dạy học trực tuyến
Trước khi tiến hành dạy học trực tuyến, giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh cài phần mềm trực tuyến mà mình sẽ tổ chức dạy học. Đặc biệt, trước khi tổ chức dạy, giáo viên xây dựng nội quy lớp học trực tuyến để đảm bảo học sinh tham gia đầy đủ, đúng giờ và có chất lượng. Khi tiến hành dạy học theo thời khóa biểu mà nhà trường phân công, giáo viên luôn quản lí sĩ số của học sinh. Kết thúc giờ học, giáo viên sẽ hướng dẫn các em thực hiện bài tập trên phần mềm ứng dụng SHub. Classroom, Kahoot, google classroom, goole form... Các bài tập đều được đánh giá bằng cách cho điểm chuyên cần hoặc điểm miệng.
     Trong quá trình tiến hành, các giáo viên nhận thấy rằng, thực hiện việc dạy học trực tuyến vẫn còn gặp những khó khăn:
Về phía học sinh vẫn còn có những em vì điều kiện gia đình nên không có máy tính, không có điện thoại thông minh hoặc không kết nối wifi.Tuy nhiên, số lượng này còn rất ít. Cho nên, giáo viên chủ nhiệm đã liên hệ, động viên gia đình các em khắc phục khó khăn bằng cách chủ động trang bị hoặc mượn các thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến, kết nối mạng khi dùng điện thoại có sim 3G, 4G...
Về phía giáo viên, khi tham gia dạy học truyến vẫn còn sự lúng túng, bỡ ngỡ trong buổi đầu tiên. Đó là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực tự học, sự chia sẻ nhiệt tình từ đồng nghiệp và ý thức trách nhiệm cao trong mỗi bài giảng nên chúng tôi nhận thấy khó khăn nêu trên đã nhanh chóng được khắc phục. Nhiều giáo viên đã mạnh dạn đề xuất, áp dụng những phần mềm mới, tạo nên phong trào ứng dụng công nghệ thông tin mang tính thiết thực và có ý nghĩa lớn.
Việc quản lí học sinh để các em tham gia lớp học và thực hiện làm bài tập đầy đủ cũng là điều rất trăn trở đối với nhiều giáo viên. Để làm tốt điều này cần sự hỗ trợ rất lớn của giáo viên chủ nhiệm. Đây là người sẽ trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở học sinh và thường xuyên liên lạc với gia đình các em để phụ huynh nắm bắt tình hình, có biện pháp uốn nắn kịp thời. Bên cạnh đó, giáo viên bộ môn cần quản lí sĩ số các em trong từng giờ học, có đánh giá công bằng, động viên kịp thời đối với tất cả các em trong quá trình học tập.
    Vượt lên những khó khăn hiện thời, việc dạy học trực tuyến tại trường THPT Nguyễn Thiện Thuật đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực.
Việc dạy học trực tuyến không chỉ đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của các em học sinh trong phòng chống dịch Co-vid 19 mà nó còn giúp các em vẫn được ôn tập kiến thức cũ và nắm bắt kiến thức mới để theo kịp tiến độ của chương trình. Hơn thế, rõ ràng dạy học trực tuyến còn góp phần nâng cao ý thức tự học và duy trì nề nếp học tập của học sinh khi các em không thể đến trường. Đây cũng là dịp để các thầy cô trau dồi thêm kiến thức về các phần mềm dạy học để từ đó ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả vào công việc của mình. Vì vậy, chúng tôi tin rằng dạy học trực tuyến là một trong những hình thức dạy học có nhiều ưu điểm nên có thể duy trì thường xuyên ngay cả khi học sinh đã trở lại lớp.
                                                                                                                  
                                            Mỹ Hào, ngày 08 tháng 4 năm 2020
 
       
Bài tin liên quan
Tin tức
Tin tức
Tin đọc nhiều